Thừa cân, béo phì có thể hạn chế khả năng tăng chiều cao của trẻ. Đây là cảnh báo từ các chuyên gia dinh dưỡng trước tình hình thế hệ trẻ Việt Nam “đang vuông”.
Vừa lùn vừa béo - Trẻ em Việt Nam “đang vuông”
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia hiện nay cho thấy tỷ lệ béo phì tại Việt Nam đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%. Trong khi đó, chiều cao của người Việt gần như “dậm chân tại chỗ” trong suốt nhiều thập kỉ qua. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định: Trẻ em Việt Nam hiện nay có hai vấn đề nguy hiểm, cần hết sức lưu tâm là phát triển chiều cao kém và tỷ lệ béo phì ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ sẽ bị “vuông” vì vừa lùn vừa béo.
Trẻ thừa cân khó tăng chiều cao
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì được xem là một bệnh mãn tính, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy nhược cơ thể…. Đối với trẻ em trong giai đoạn phát triển thì việc thừa cân, béo phì sẽ cản trở quá trình cao lên của trẻ.
Trẻ thừa cân thường có xu hướng thích các nhóm thực phẩm giàu đạm, nhiều chất béo, thức ăn nhanh và đồ ngọt. Nhóm thực phẩm này chính là tác nhân gây cản trở quá trình hấp thụ Canxi, khiến cơ thể không đảm bảo lượng Canxi cần thiết cho quá trình phát triển xương và cao lên.
Khẩu phần ăn không hợp lý, lười vận động khiến trẻ thừa cân khó tăng chiều cao
Với cơ thể nặng nề khi thừa cân, béo phì các bé trở nên chậm chạp, lười vận động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng lớn với quá trình tăng chiều cao. Vận động quá ít gây hạn chế sự tăng trưởng, phát triển của cơ thể bao gồm cả chiều cao. Mặt khác việc trọng lượng cơ thể quá cao so với sức chịu đựng còn non yếu của hệ cơ xương khớp càng khiến trẻ không dám vận động, ngồi lỳ một chỗ. Áp lực này cũng ngăn cản sự phát triển dài ra ở phần đầu sụn xương để tăng chiều cao.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra nhận định: Trẻ thừa cân, béo phì thường cao lớn hơn so với tuổi nhưng khi đến tuổi dậy thì, chiều cao ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè.
Cùng lúc đó tâm lý tuổi mới lớn sợ béo, đặc biệt là đối với các bạn nữ nên các bạn trẻ sẽ ăn uống kiêng kem để giảm cân nhanh. Điều này khiến các em mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến thể lực và chiều cao sau này.
Giải pháp để trẻ béo phì có thể tăng chiều cao
Trẻ béo phì cần được cha mẹ xây dựng dinh dưỡng hợp lý để có thể tối ưu phát triển chiều cao. Về nguyên tắc, trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên không thể vì muốn giảm cân mà không cung cấp đủ chất.
Chế độ dinh dưỡng nên tập trung nhiều rau xanh, trái cây… Nên giảm bớt dầu mỡ khi chế biến thức ăn cho bé. Thay vì nấu các món chiên, xào, các mẹ có thể nấu các món luộc, kho hay nấu canh. Hạn chế những loại thức ăn giàu năng lượng như bánh, kẹo, chè, nước ngọt. Không nên cho đường vào các loại thức uống của bé.
Hãy dạy con ăn chậm, nhai kỹ để tăng khả năng hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm. Để giúp trẻ giảm bớt cơn đói, trước bữa ăn chính thức có thể cho bé dùng trước một chén canh hay rau xanh. Cho bé ăn đủ bữa, không nên cho bé ăn quá no hay quá đói. Hãy áp dụng theo công thức: Sáng ăn nhiều, trưa ăn vừa, tối ăn ít để trẻ có thể ngăn ngừa tình trạng tăng cân.
Dù trẻ khó vận động, nhưng các mẹ nên khuyến khích con gia tăng tần suất hoạt động của mình mỗi ngày nhiều hơn một chút để cơ thể được linh hoạt và thích nghi dần với chế độ vận động. Duy trì thói quen này, trẻ hoàn toàn có thể vận động nhiều hơn mà không cảm thấy mệt hay quá sức.
Đặc biệt nên tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, không nên gây áp lực cho việc vận động hay ăn uống để tăng chiều cao với trẻ. Việc tạo sức ép khiến tâm lý trẻ không thoải mái có thể gây tác dụng ngược cho mục tiêu mà cha mẹ muốn con cái đạt được.
Nhận xét
Đăng nhận xét